Bổ sung lá Khat, “cỏ Mỹ” vào Bộ Luật Hình sự
Thời gian qua, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý, các lực lượng Hải quan, Công an, Biên phòng đã phát hiện một số mặt hàng nhập khẩu có chứa chất ma tuý mới như lá cây Khat, “cỏ Mỹ”,.. Tuy nhiên, chúng lại chưa được quy định trong Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015, do đó chưa có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với người vi phạm, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh đối với loại tội phạm này.
Thủ đoạn, chiêu thức vận chuyển lá Khat qua cửa khẩu
Lá Khat còn có tên Catha hoặc lá thiên đường, là một loại cây được trồng nhiều ở châu Phi. Theo kết quả giám định của Viện khoa học hình sự – Bộ Công an thì trong lá Khat có chứa thành phần chất ma túy Cathinone, một chất kích thích giống ma túy tổng hợp Amphetamine và thuộc Danh mục I (danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội) quy định tại Nghị định 82/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ ban hành Danh mục các chất ma túy và tiền chất.
Để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, các đối tượng nhập khẩu trái phép lá Khat thường sử dụng thủ đoạn khai báo hải quan dưới các tên: trà xanh, trà lá, trà Moringa, chè đen, lá cây khô, lá thảo mộc, lá trà khô từ các nước châu Phi (Ethiopia, Kenya, Nam Phi) qua các cửa khẩu sân bay, cảng biển, bưu điện quốc tế theo loại hình quà biếu phi mậu dịch, sau đó tìm cách tái xuất sang nước thứ ba (Úc, Mỹ) và khai báo với các tên: lá Henna đã sấy khô dùng chế tạo mỹ phẩm, “mực xăm henna”, lá móng sấy khô… để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Khi hàng về đến các cửa khẩu Việt Nam thì thuê người đến nhận, nếu cơ quan Hải quan phát hiện và lập biên bản thì người nhận hàng viện cớ là quà biếu do nước ngoài gởi tặng nên không biết nội dung hàng hóa bên trong hoặc từ chối nhận hàng do không quen biết với người gởi.
Còn đối với các lô hàng lớn, vận chuyển đường biển, các đối tượng lợi dụng loại hành tạm nhập-tái xuất để thực hiện hành vi nhập khẩu trái phép lá Khat, khai báo trên vận đơn và lược khai hàng hóa là cây bụi để qua mắt lực lượng kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, nếu bị phát hiện thì bỏ hàng.
Tác hại của lá Khat và “cỏ Mỹ”
Chất XLR-11 “cỏ Mỹ” thường được tẩm ướp trong thảo mộc khô, cắt nhỏ và đóng gói, gán mác là “trà giảm cân”, “spice”,… Ảnh hưởng của “cỏ Mỹ” đối với người sử dụng giống như cần sa nhưng mạnh hơn nhiều lần. Đó là, ảo giác mãnh liệt, hôn mê sâu, nhiều trường hợp dẫn đến chết não, rối loạn tiêu hóa, mất trí nhớ, loạn thần, giãn đồng tử, kích động, căng thẳng, lo lắng, tư tưởng cực đoan, dễ hành động gây hại cho mình và cho người khác.
Còn về lá Khat, đến nay cơ quan chức năng của Việt Nam chưa phát hiện ra vụ việc nào liên quan đến việc sử dụng, lạm dụng lá Khat tại Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các tài liệu liên quan đến tác hại của lá Khat trên các trang mạng internet, báo chí, truyền hình… Cụ thể, có thông tin cho biết ở Châu Phi lá Khat được trồng rộng rãi như trồng rau, được bán công khai và sử dụng như người Việt Nam nhai trầu hoặc đun thành nước uống như trà để tạo hưng phấn ở mức độ vui vẻ bình thường; có thông tin thì cho biết, lá Khat có mức độ nguy hiểm hơn ma túy đá gấp nhiều lần và độc hại hơn các loại ma túy thông thường hàng trăm lần… Nhưng nguồn của các tài liệu này thì không chính thống, hoặc được trích từ các báo nước ngoài. Thực tế cho đến nay, ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu hay hội thảo khoa học nào để làm rõ về tác hại của lá Khat.
Hơn nữa, ngoài lá Khat ra thì các bộ phận của cây Khat như rễ, thân, cành… có chứa chất Cathinone không? hàm lượng là bao nhiêu? mức độ tác hại cụ thể như thế nào?… thì các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng chưa chứng minh được, do chưa có mẫu chuẩn. Như vậy, có thể nói, chúng ta mới chỉ biết tác hại của lá Khat chủ yếu qua các kênh truyền thông chứ chưa có cơ sở khoa học cụ thể.
Người vận chuyển lá Khat và “cỏ Mỹ” qua biên giới sẽ bị xử lý như thế nào?
Ngày 9/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 126/2015/NĐ-CP sửa đổi Danh mục các chất ma túy và tiền chất kèm theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP về các danh mục chất ma túy và tiền chất. Theo đó, Nghị định 126 đã bổ sung chất XLR-11 (cỏ Mỹ) vào Danh mục II “Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2016.
Tuy nhiên, việc xử lý hình sự với các hành vi phạm tội về ma túy liên quan đến chất XLR-11 đang gặp khó khăn vì chưa có mẫu chuẩn XLR-11, do vậy mới chỉ giám định được định tính của chất XLR-11, chưa giám định được hàm lượng và định lượng chất XLR-11 trong các mẫu giám định. Do đó, không xác định được trọng lượng chất ma túy làm căn cứ để xử lý hình sự đối với các đối tượng bị bắt giữ.
Trước tình hình này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47)- Bộ Công an đã chủ trì họp với ba ngành: Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao đề xuất hướng xử lý đối với các hành vi phạm tội về ma túy liên quan đến chất XLR-11 và lá Khat. Cụ thể, đối với hành vi mua bán trái phép chất ma túy XLR-11 thì xử lý hình sự theo Khoản 1, Điều 194, BLHS 1999 nhưng lại phát sinh vấn đề không công bằng đối với những vụ mua bán số lượng nhiều và vụ số lượng ít; đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt trái phép chất XLR-11 thì xử lý hành chính, vì không giám định được hàm lượng nên không xác định được trọng lượng của chất XLR-11 để làm căn cứ truy tố. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của pháp luật thì Thông tư liên ngành không được hướng dẫn những vấn đề liên quan đến chính sách hình sự mà phải báo cáo xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Vì vậy, trong khi chờ ý kiến của UBTVQH, với những vụ nhỏ chưa xử lý bằng hình sự thì vẫn chỉ đang xử lý bằng hành chính thật nghiêm.
Còn đối với lá Khat, chất Cathinone đã được quy định nằm trong danh mục I “Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội” Nghị định 82/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ ban hành Danh mục các chất ma túy và tiền chất. Tuy nhiên, hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép lá cây Khat có chứa chất Cathinone không quy định trong BLHS năm 1999 và 2015 nên cũng chưa xử lý hình sự được đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lá cây Khat.
Trước tình hình đó, C47 đã đề nghị Viện Khoa học hình sự báo cáo với Bộ Công an để nhập mẫu chất XLR-11, lá Khat phục vụ công tác giám định, từ đó mới xử lý triệt để, đúng người, đúng tội đối với hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ đối với chất ma túy XLR-11, lá Khat. Trong khi chờ nhập mẫu chuẩn, ba ngành tư pháp Trung ương báo cáo với UBTVQH cho ý kiến để xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến chất XLR-11; đồng thời, đưa cây Khat vào các điều luật quy định về các tội phạm về ma túy tại Chương 20 của BLHS năm 2015.
Được biết, tại phiên họp thứ 4 của UBTVQH khoá XIV ngày 3/10/2016, vấn đề “cỏ Mỹ” và lá Khat đã được đề nghị bổ sung vào danh mục chất ma tuý trong BLHS sửa đổi. Theo đó, tại tờ trình của Bộ Tư pháp đã đề nghị cần bổ sung các chất ma túy mới phát hiện (chất XLR-11 được tẩm ướp trong “cỏ Mỹ” và lá Khat có chứa chất ma túy Cathinone) vào cấu thành các tội về ma túy để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy.
Nếu đưa lá cây Khat vào BLHS cùng các điểm với “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa” thì với khối lượng tang vật cho các tội vận chuyển, mua bán trái phép lá Khat từ 75 kg trở lên, các đối tượng sẽ phải chịu hình phạt là “tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Như vậy, các đối tượng liên quan đến những vụ việc mà gần đây cơ quan chức năng phát hiện có khối lượng tang vật là hàng tấn lá Khat sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất?.
Khó khăn của lực lượng Hải quan khi kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với đối tượng có hành vi vận chuyển lá Khat
Như đã nói ở trên, do hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép lá cây Khat có chứa chất Cathinone không được quy định trong BLHS năm 1999 và 2015, cho nên đến nay các cơ quan chức năng chưa xử lý hình sự được đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lá cây Khat.
Điều này sẽ dẫn đến kết quả là, khi phát hiện mặt hàng này tại cửa khẩu thì cơ quan Hải quan chỉ có thể lập biên bản vi phạm hành chính và thu giữ tang vật về hành vi nhập khẩu hàng cấm (theo Nghị định 82/NĐ-CP ngày 19/7/2013 và Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ), sau đó lập hội đồng để xử lý tiêu hủy. Như vậy, việc điều tra, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến chất ma túy này hiện nay cơ quan Hải quan đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do không xử lý hình sự được, cũng như phát sinh những chi phí như: giám định, bốc xếp, lưu kho bảo quản tang vật… trong khi chờ xin ý kiến xử lý của cấp có thẩm quyền.
Kiến nghị
Thực tiễn đấu tranh phòng, chống ma túy ở nước ta cho thấy, tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp, khó lường; sử dụng nhiều thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải xử lý kịp thời, nghiêm minh. Do đó, để bảo đảm cho các lực lượng chức năng phòng, chống tội phạm ma túy nói chung và lực lượng Hải quan nói riêng nhằm chủ động, linh hoạt trong đấu tranh với tội phạm về ma túy, cần thiết phải sớm bổ sung cây lá Khat và “cỏ Mỹ” vào quy định cấu thành các tội phạm về ma túy trong BLHS mới răn đe, hạn chế phạm tội, ngăn ngừa nguy hại cho xã hội do các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép các mặt hàng trên gây ra.
(Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến nay, ngành Hải quan đã phát hiện và thu giữ khoảng hơn 12 tấn lá Khat nhập khẩu trái phép qua các cửa khẩu sân bay, cảng biển và các địa điểm bưu chính quốc tế, chuyển phát nhanh. Cụ thể, Cục Hải quan TP.HCM: 2.957 kg, Cục Hải quan Hà Nội: 2.754 kg, Cục Hải quan Hải phòng: 6.400 kg).
Theo Danh Hà ( Báo Hải Quan TP HCM )