Trả Lời Về Việc Hoàn Thuế Nhập Khẩu
Câu hỏi :
Tôi muốn hỏi 2 vấn đề như sau 1. Hiện Chúng tôi nhập khẩu một lô hàng quạt thông gió từ trung quốc về việt nam và xuất lại mặt hàng đó sang indonesia.(nhập về và bán luôn ko sản xuất) Bị đánh thuế nhập khẩu là 15% và thuê gtgt là 10%. Vậy Trường hợp nhập về và xuất đi liền như vậy chúng tôi có được hoàn thuế nhập khẩu ko? 2. Chúng tôi xuất khẩu mặt hàng kệ sang indonesia.(kệ được làm bằng sắt thép) thì thuế nhập khẩu phải chịu là bao nhiêu %?
Trả Lời:
1. Vướng mắc 1
Căn cứ điểm a khoản 1 điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ quy định:
“Điều 34. Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất
1. Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu, gồm:
a) Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất vận chuyển ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan.
Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu”;
Theo quy định trên, trường hợp công ty xuất trả hàng hoá cho chính nhà cung cấp thì được hoàn thuế theo quy định tại điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Riêng việc hoàn thuế nhập khẩu đối với trường hợp tái xuất sang nước thứ ba, Cục Hải quan Đồng Nai đã nếu vướng mắc gửi Tổng cục Hải quan, tuy nhiên đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể. Đề nghị Công ty theo dõi các hướng dẫn của Tổng cục Hải quan trong thời gian tới để thực hiện.
2. Vướng mắc 2
Căn cứ để áp thuế suất thuế xuất khẩu là căn cứ vào mã HS của hàng hóa thực tế xuất khẩu của công ty tại thời điểm xuất khẩu khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Cục Kiểm định Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Cục Kiểm định Hải quan xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
– Do công ty không cung cấp tài liệu kỹ thuật, catalogue, hình ảnh của hàng hóa nhập khẩu nên Tổ tư vấn không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi nêu trên.
– Mặt hàng “kệ bằng sắt thép” không nằm trong danh mục hàng chịu thuế xuất khẩu theo Phụ lục I ban hành theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 Chính phủ.
Trường hợp mặt hàng xuất khẩu không được quy định cụ thể tên trong Biểu thuế xuất khẩu thì khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan vẫn phải kê khai mã hàng của mặt hàng xuất khẩu tương ứng với mã hàng 08 chữ số của mặt hàng đó trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP và ghi mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% .
Khi đó, công ty có thể tham khảo việc phân loại mã HS vào phân nhóm 73.08 -Các kết cấu (trừ nhà lắp ghép thuộc nhóm 94.06) và các bộ phận rời của các kết cấu (ví dụ, cầu và nhịp cầu, cửa cống, tháp, cột lưới, mái nhà, khung mái, cửa ra vào, cửa sổ, và các loại khung cửa, ngưỡng cửa ra vào, cửa chớp, lan can, cột trụ và các loại cột khác), bằng sắt hoặc thép; tấm, thanh, góc, khuôn, hình, ống và các loại tương tự, đã được gia công để dùng làm kết cấu, bằng sắt hoặc thép.
– Khi phân loại hàng hóa cần tham khảo các quy định sau:
+ Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân tích phân loại hàng hóa.
+ Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới.
– Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
Nguồn: “dncustoms”