Vận tải đường thủy nội địa chưa được khai thác hết tiềm năng
Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là một đặc trưng, một loại hình giao thông quan trọng trong khu vực. Tuy nhiên, những năm qua, việc khai thác loại hình giao thông này vẫn tồn tại nhiều hạn chế.
Vùng ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch hết sức phong phú; có tính kết nối, giao lưu thuận lợi. Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, giao thông thủy nội địa vùng ĐBSCL dài 13.000km. Hầu như các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL đều có cảng phục vụ vận tải đường thủy nhằm khai thác thế mạnh của loại hình vận tải này. Tuy nhiên, các cảng và bến vẫn trong tình trạng quy mô, phạm vi nhỏ. Theo thống kê, toàn vùng có hơn 2.500 bến thủy nội địa nhưng chỉ 5 bến có thể bốc xếp được hàng container. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hệ thống các cảng, bến chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vì vậy, Nhà nước cần quan tâm quy hoạch đầu tư.
Theo ông Đoàn Xuân Hiền, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Biển Đông: Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng ĐTNĐ từ ĐBSCL về các cảng biển TP Hồ Chí Minh và đi nước ngoài rất lớn, chi phí giảm 30%-40% so với đường bộ. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống sông chưa được quy hoạch nên việc lưu thông gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, khu vực ĐBSCL thiếu cảng nước sâu để tàu trọng tải lớn cập bến… Việc đầu tư phát triển phương thức vận tải ĐTNĐ nhìn chung chưa được quan tâm. Không chỉ thiếu cảng nước sâu, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ảnh, hướng chuyển hàng hóa trực tiếp qua cửa Biển Đông đang gặp nhiều khó khăn do các cửa chính, như: Định An, cửa Tiểu thuộc sông Tiền, sông Hậu bị bồi lắng nhanh, phải nạo vét thường xuyên. Một trong những điểm tắc khác là âu Rạch Chanh ở Tân An, tỉnh Long An. Đây là điểm nối giữa kênh Thủ Thừa và sông Vàm Cỏ để lên TP Hồ Chí Minh, cũng là nơi đến của các tàu vận chuyển hàng hóa từ Hà Tiên, Kiên Giang. Tuy nhiên, tình trạng bồi lắng đã hạn chế khả năng vận chuyển hàng hóa bằng tàu trọng tải lớn.
Theo ông Lê Tiến Công, Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ, hiện tại, tàu trọng tải 20.000 tấn có thể hoạt động ở cảng Cái Cui nhưng chưa hiệu quả, mỗi khi vận chuyển hàng hóa ra cửa biển hoặc sang Campuchia qua hệ thống sông Hậu và một số tuyến sông khác vẫn gặp khó khăn, bởi đường lưu không đều nhau, độ sâu bị giảm ở một số tuyến. Khi đi qua địa phận quận Ô Môn, TP Cần Thơ, qua kênh Vàm Nao của Đồng Tháp và một số nơi khác thì bắt buộc phải hạ tải khiến doanh nghiệp gánh thêm chi phí.
Nói về những bất cập nêu trên, ông Huỳnh Văn Út, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV, cho biết: “Hạ tầng giao thông ĐTNĐ chủ yếu lợi dụng địa hình tự nhiên sông nước, vì vậy, chi phí đầu tư thấp hơn so với đầu tư đường bộ. Hiện nay, giao thông ĐTNĐ đã đáp ứng nhu cầu của nhiều tàu lớn, trong đó, tàu SB chạy từ Cà Mau tới Quảng Ninh có chiếc lên đến hơn 3.000 tấn, tàu cỡ lớn vào cảng Cần Thơ lên đến 20.000 tấn. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại lâu nay là một số tuyến sông không chỉ bị tắc mà kết cấu giữa đường thủy và đường bộ cũng chưa đồng bộ, nhiều nơi cầu đường bộ thấp, phải chờ nước rút thì tàu mới có thể qua. Trong thời gian tới, Chính phủ cần có cơ chế đầu tư, quy hoạch hệ thống sông, cảng sao cho đồng bộ giữa đường thủy và bộ; sớm mở rộng luồng, nạo vét lòng sông bảo đảm tàu lớn hoạt động.
Ông Lê Tiến Công kiến nghị: “Không chỉ khơi thông một số luồng lạch chính mà các tuyến sông nhỏ cũng cần được đầu tư để tàu lớn có thể di chuyển vào sâu vận chuyển hàng hóa. Hiện nay, hầu hết các mặt hàng nông sản, người dân phải vận chuyển từ các tuyến sông nhỏ ra sông lớn để tập kết, như vậy, doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí trung gian. Cùng với đó, cần đầu tư hệ thống biển báo trên các tuyến sông để hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho các phương tiện…
Theo báo QĐND