Hướng dẫn Luật Hải quan 2014
Luật Hải quan số 54/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 23-6-2014 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Trong khoảng thời gian này, Tổng cục Hải quan phải xây dựng 3 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng và 13 Thông tư để hướng dẫn Luật…
Đây là khối lượng công việc lớn, với mục tiêu vừa đảm bảo hướng dẫn rõ ràng, chi tiết theo quy định của Luật, vừa kết nối đồng bộ các văn bản để giúp đưa Luật vào cuộc sống ngay từ những ngày đầu.
Giảm thủ tục, bớt giấy tờ không cần thiết
Luật Hải quan 2014 ra đời sẽ đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế… Xác định việc xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn minh bạch, chi tiết chính là một cách hỗ trợ DN thiết thực nhất, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 929/CT-TCHQ ngày 25-7-2014 yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Luật Hải quan, tạo ra những chuyển biến rõ rệt về cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho cơ quan Hải quan và DN XNK.
Việc triển khai Luật Hải quan sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động hải quan, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của DN, tăng trưởng kinh tế, tạo nên hình ảnh tốt đẹp về Hải quan Việt Nam trong nước và quốc tế…
Trên cơ sở định hướng của Luật, nội dung dự thảo Nghị định và các Thông tư hướng dẫn Luật đang được xây dựng theo hướng đổi mới phương pháp quản lý, giảm thiểu các thủ tục và giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động XNK nhưng vẫn đảm bảo việc quản lý của cơ quan Hải quan.
Sở dĩ có tới 13 Thông tư hướng dẫn Luật Hải quan là bởi Tổng cục Hải quan xây dựng theo hướng mỗi loại hình hoạt động chỉ tra cứu tại 1 văn bản pháp luật, giúp thuận tiện cho hoạt động của DN.
Tại các Hội thảo lấy ý kiến của DN góp ý vào dự thảo các Thông tư và Nghị định hướng dẫn Luật, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đã nhiều lần khẳng định: Cơ quan Hải quan mong muốn giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm bớt các giấy tờ không cần thiết để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động XNK.
Và điều này đã được thể hiện rất rõ trong các quy định tại các dự thảo Thông tư. Cụ thể, tại dự thảo Thông tư quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XNK (Thông tư chung) đã thể hiện rõ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng các quy định: Bãi bỏ hàng loạt các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan (5 loại chứng từ với hàng XK và 4 loại chứng từ với hàng NK).
Không chỉ có thế, nội dung về khai hải quan đã được đơn giản hơn, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan, kiểm tra thực tế vận chuyển hàng hóa , thời gian sửa chữa tờ khai, thời gian thực hiện hủy tờ khai…), cải cách công tác giám sát quản lý tại cảng biển, đơn giản hóa hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế, cải cách thủ tục hải quan và công tác quản lý hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan.
Một trong những thay đổi lớn trong quản lý hải quan là quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất XK và hoạt động của doanh nghiệp chế xuất (DNCX)… tại dự thảo Thông tư về vấn đề này. Theo đó, đã tạo điều kiện cho DNCX tự lưu định mức và xuất trình khi cơ quan Hải quan yêu cầu (như đối với DN nhập nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, gia công cho đối tác nước ngoài). Hay quy định khi mua bán, thanh lý DNCX không phải làm thủ tục hải quan trong trường hợp hàng hóa DNCX mua từ nội địa hoặc NK từ nước ngoài đã nộp đủ các loại thuế theo quy định.
Đặc biệt, quy định còn tạo điều kiện hơn về thủ tục gia công giữa 2 DNCX, không yêu cầu phải làm thủ tục hải quan khi giao nhận nguyên liệu, vật tư, sản phẩm trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công, tuy nhiên phải báo cáo nhập – xuất – tồn đối những hàng hóa này định kỳ cùng với báo cáo nhập – xuất – tồn nguyên liệu, vật liệu NK theo mục đích sản xuất.
Bên cạnh đó, quy định về phân loại hàng hóa XNK và cách tính trị giá hải quan cũng được thay đổi. Nhiều quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn cách phân loại và áp dụng mức thuế (thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ) đối với hàng hóa XNK đã kết hợp nhiều quy định trong phần chú giải và các ý kiến phân loại của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) vốn được coi là các tài liệu tham khảo chính thống để phân loại hàng hóa của ngành Hải quan. Điều này sẽ giúp tăng cường tính thống nhất trong việc phân loại hàng hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động XNK.
Hay những quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan cũng đã chuẩn hóa các nguyên tắc định giá của Tổ chức Thương mại thế giới là sử dụng trị giá giao dịch trong định giá hải quan để hỗ trợ các DN và cơ quan Hải quan trong việc xác định trị giá tính thuế, đồng thời giảm thiểu các khả năng tranh chấp.
Có thể thấy, những nỗ lực để đổi mới toàn diện hoạt động hải quan đã được Tổng cục Hải quan chuẩn hóa bằng những văn bản pháp luật để hướng dẫn Luật Hải quan 2014.
Đảm bảo sự đồng bộ, khả thi
Có thể thấy, những thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN đã được quy định rõ ràng trong các dự thảo và đã được cộng đồng DN công nhận. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình xây dựng những dự thảo Nghị định, Thông tư này thì quả là một quá trình đầy công phu và nỗ lực của thành viên các tổ soạn thảo.
Chỉ cần đọc ra số lượng văn bản cần phải xây dựng để triển khai Luật cũng đủ thấy đó là một “núi” công việc, đó là chưa kể đến khoảng thời gian rất hẹp (chưa đầy 5 tháng kể từ khi Luật Hải quan được thông qua đến khi có hiệu lực, và trừ đi 45 ngày theo đúng quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Có thể nói, đây là một áp lực không nhỏ.
Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và phải hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra nên Tổng cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết đến từng tuần, từng tháng. Các tổ soạn thảo Nghị định, Thông tư của Tổng cục Hải quan đã tiến hành rà soát, xác định các văn bản cần xây dựng để sửa đổi, bổ sung. Căn cứ kết quả rà soát, ngành Hải quan đã tiến hành công tác tổ chức tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan để phát hiện nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, không có tính khả thi để đề xuất biện pháp tháo gỡ, đưa vào văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tiến độ và chất lượng văn bản, ngành Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác phối hợp. Bởi lẽ, yêu cầu đặt ra với các cán bộ, công chức được giao soạn thảo văn bản phải vừa chuyên sâu về mỗi mảng nghiệp vụ, vừa bao quát được các mảng nghiệp vụ khác để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, để các văn bản khi được ban hành có tính khả thi, phù hợp với thực tế, dự thảo Nghị định và các Thông tư được công bố rộng rãi và cộng đồng DN tham gia góp ý ngay từ những ngày đầu xây dựng. 3 dự thảo Nghị định đã được xây dựng chi tiết, cụ thể và được lấy ý kiến rộng rãi trong toàn ngành và các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, Ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn Luật Hải quan có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành. Điều này cho thấy mức độ quan trọng cũng như công phu của việc xây dựng văn bản có tác động lớn đến hoạt động kinh tế, xã hội và của mỗi DN.
Các dự thảo Thông tư cũng được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến rộng của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội DN, các đơn vị trong ngành..
Có thể thấy, để triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả những quy định của Luật Hải quan trong hoạt động quản lý hải quan, việc xây dựng kế hoạch chi tiết (theo tuần, tháng) triển khai việc soạn thảo văn bản hướng dẫn Luật và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện công việc theo kế hoạch này đã được Tổng cục Hải quan xây dựng chi tiết và triển khai đúng tiến độ. Điều này cho thấy, ngành Hải quan đã và đang chuẩn bị mọi điều kiện để sớm đưa Luật Hải quan vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Bà Phùng Thị Bích Hường- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan):
Việc xây dựng hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với 3 Nghị định và 1 Quyết định của Thủ tướng để triển khai Luật Hải quan đã được Tổng cục Hải quan triển khai khẩn trương. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã trình Chính phủ dự thảo 3 Nghị định và 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan đã đề ra. Dự kiến 15-11 sẽ ban hành các Nghị định này.
Đối với 13 đề án Thông tư hướng dẫn Nghị định hướng dẫn Luật đang được các đơn vị trong Tổng cục Hải quan gấp rút thực hiện. Đây là khối lượng lớn văn bản, điều chỉnh tới tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan, để thay thế tất cả các văn bản hiện hành. Theo đó, các dự thảo vừa phải bám sát tinh thần của Luật, vừa phải đảm bảo tính thống nhất ngay trong các dự thảo Thông tư, vì vậy Tổng cục Hải quan sắp xếp thứ tự ưu tiên ban hành để đảm bảo việc triển khai Luật một cách hiệu quả, những Thông tư nào có tác động rộng rãi sẽ được ưu tiên ban hành trước, kịp thời đưa vào áp dụng từ 1-1-2015.
Hiện các dự thảo Thông tư đã được lấy ý kiến trong và ngoài ngành, cộng đồng DN và các tổ chức có liên quan. Các nhóm biên tập đang rà soát tất cả các dự thảo Thông tư. Theo đó, dự kiến các dự thảo Thông tư sẽ được ban hành chậm hơn so với Nghị định 5 ngày.
Ông Nestor Scherbey – chuyên gia về hải quan của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham):
Tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về phân loại hàng hóa, danh mục hàng hóa và trị giá hải quan đã có nhiều thay đổi trong cách tính trị giá hải quan theo các nguyên tắc định giá của Tổ chức Thương mại thế giới là sử dụng trị giá giao dịch trong định giá hải quan để hỗ trợ các DN và cơ quan Hải quan trong việc xác định trị giá tính thuế, đồng thời giảm thiểu các khả năng tranh chấp. Đặc biệt là quy định về cách tính trị giá hải quan cho phép máy móc nhập qua nhiều cửa khẩu ở nhiều thời điểm khác nhau vẫn được coi là linh kiện nguyên chiếc để tính trị giá hàng hóa… Đây là quy định rất đáng hoan nghênh.
Bà Đặng Thị Bình An (chuyên gia về lĩnh vực hải quan trong Dự án GIG – dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện):
Dự thảo Thông tư quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XNK đã được Tổng cục Hải quan xây dựng theo hướng giảm thiểu cho DN về chứng từ một cách thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, những quy định về cách tính thuế theo cảng nhập đầu tiên, cho DN khai lại, khai bổ sung với thủ tục đơn giản… đã tạo thuận lợi cho DN rất nhiều.
Bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:
Với quy định mới về thủ tục hải quan, thuế XNK và quản lý thuế đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài, hàng hóa là nguyên liệu vật tư NK để sản xuất XK sẽ bỏ quy định về định mức gia công, quy định về thông báo mã nguyên liệu, vật tư, mã sản phẩm XK. Bỏ quy định về thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt gia công sang hợp đồng gia công khác trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công… Những quy định này đã được đổi mới theo hướng đơn giản hóa tại dự thảo Thông tư đã được Tổng cục Hải quan xây dựng nhằm thuận lợi hơn cho DN.
Ông Phạm Văn Vinh – Công ty Deloitte:
Với quy định tại dự thảo Thông tư sẽ bãi bỏ hàng loạt các chứng từ, cơ bản chỉ còn lại tờ khai hải quan trong bộ hồ sơ hải quan (khi thực hiện Luật Hải quan 2014 từ ngày 1-1-2015), theo phản ánh chung từ phía cộng đồng DN, việc loại bỏ 5 loại chứng từ đối với hàng XK, 4 chứng từ với hàng NK ra khỏi bộ hồ sơ hải quan mà DN phải nộp khi thực hiện XNK hàng hóa là một quy định rất “mở”… Đây là việc cải cách thủ tục hành chính thiết thực nhất để tạo thuận lợi hơn cho DN trong hoạt động XNK, là hướng sửa đổi về thủ tục hải quan rất tích cực, rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi mà DN đang bị những gánh nặng về giấy phép chuyên ngành. Quy định mới này sẽ giúp DN giảm thiểu đáng kể thời gian trong khâu chuẩn bị các giấy tờ trong bộ hồ sơ hải quan.
Đại diện Công ty Panasonic:
Nhiều điểm mới đối với loại hình gia công, sản xuất XK tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan, thuế XNK và quản lý thuế đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài, hàng hóa là nguyên liệu vật tư nhập khẩu để sản xuất XK đã tháo gỡ được nhiều khó khăn mà DN đã gặp phải, như quy định về thanh khoản định mức, phần chênh lệch trong thanh khoản… trước đây đều là những vấn đề DN thường phải đau đầu.
Theo ông Phí Văn Cương – Đại diện Công ty Samsung Việt Nam:
Quy định về mẫu báo cáo mới tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan, thuế XNK và quản lý thuế đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài, hàng hóa là nguyên liệu vật tư NK để sản xuất XK sẽ giúp DN đơn giản hơn rất nhiều về thủ tục. Nếu trước đây DN phải tốn chi phí và thời gian để in rất nhiều chứng từ nộp cho cơ quan Thuế và Hải quan thì nay theo quy định mới DN được nộp và lưu các chứng từ điện tử, theo đó DN sẽ không còn phải tốn chi phí và thời gian in nhiều giấy tờ bởi mẫu báo cáo đơn giản hơn.
Theo Báo Hải quan