Xén công viên Hoàng Văn Thụ để cứu sân bay Tân Sơn Nhất
Chiều 15/8, làm việc với UBND TPHCM, đại diện Cục Hàng không Việt Nam và lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất đề nghị xén một phần công viên để mở rộng đường giao thông nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa ngõ sân bay.
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng tình trạng ùn tắc tại khu vực sân bay trở nên trầm trọng hơn kể từ khi TPHCM kết nối đường Phạm Văn Đồng vào đường Trường Sơn. Các phương tiện từ Bình Dương, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp đều chọn trục đường này để vào quận 5, 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú,… cho gần.
Hai điểm nóng nhất về kẹt xe tại khu vực cửa ngõ sân bay là từ đầu đường Trường Sơn ra đường Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện và tại nút giao thông Lăng Cha Cả.
Ông Tú đề xuất trước mắt, UBND TPHCM cần hạn chế lượng xe lưu thông qua đường Trường Sơn bằng cách tổ chức phân luồng, cấm xe tải lưu thông. Các xe tải phục vụ vận chuyển trong sân bay sẽ bố trí lưu thông trên đường Thăng Long để tránh quay đầu trên đường Trường Sơn, gây ùn ứ dẫn đến kẹt xe.
“Khi chưa có điều kiện làm đường trên cao, TPHCM nên cân nhắc xây cầu vượt từ cuối đường Trường Sơn qua công viên, đáp xuống đường Hoàng Văn Thụ và Nguyễn Văn Trỗi để xe từ sân bay không đi vào nút giao thông Lăng Cha Cả. Nếu chưa làm được cầu vượt, Sở GTVT cần tổ chức lại giao thông, thu hồi một phần diện tích công viên để mở rộng đường. Đường Hoàng Văn Thụ còn một nút giao khác trước bệnh viện Mê Kông, khúc cua hẹp nên thường xảy ra ùn tắc”, ông Tú kiến nghị.
Trước ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết: TPHCM hạn chế tối đa, không đụng đến công viên. Như công viên 23/9, Chủ tịch UBND TPHCM đã bác nhiều dự án bãi đỗ xe thông minh do lấy đất công viên dù thành phố đang thiếu bãi đỗ xe.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Tám, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có 3 vị trí thường xuyên kẹt xe là nút giao Lăng Cha Cả; đoạn đường từ trong sân bay ra và nút giao thông Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm (dù đã làm cầu vượt). Nhánh rẽ phải ra đường Trần Quốc Hoàn chỉ rộng 5 m nên thường xuyên ùn tắc. HĐND TPHCM đã cho chủ trương đầu tư và Sở GTVT đã phê duyệt dự án mở rộng đường từ 5m lên 40 m.
“Nếu chỉ giải quyết một vài nút giao thông, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, mở nhà ga hành khách thì toàn bộ xe sẽ đổ ra gây tắc đường Cộng Hoà. Đề xuất của lãnh đạo sân bay, Sở GTVT đánh giá ùn tắc xung quanh công viên Chiến Thắng là do kẹt xe dây chuyền từ nút giao Lăng Cha Cả và ngã tư hơi bị vuông, méo. Một số đơn vị đã đề xuất làm hầm chui khu vực này”, ông Tám cho hay.
Giám đốc cảng vụ Miền Nam Trần Doãn Mậu cho rằng không thu hẹp công viên thì giải quyết tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ sân bay sẽ rất khó khăn.
Ông Mậu dẫn chứng, ở các nước, thành phố có dân số 3 triệu người, thường làm hệ thống tàu điện ngầm: “TPHCM không muốn lấy công viên, trong khi chưa phát triển loại hình giao thông khác và khu vực sân bay chưa có những trục đường tránh thì làm sao tránh được kẹt xe”.
Trả lời ý kiến của ông Mậu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến kiên quyết: “Đốn hạ cây xanh, cắt xén công viên để mở đường phải hết sức cân nhắc, tính toán hiệu quả. TPHCM chấp nhận hy sinh nhưng phải có kết quả chứ không mơ hồ”.
Không chỉ bác đề xuất xén công viên làm đường, lãnh đạo TPHCM còn yêu cầu đánh giá lại hiệu quả của các công trình cầu vượt trăm tỷ vừa đưa vào sử dụng tại khu vực cửa ngõ sân bay.
Theo Phó Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường, cần đánh giá khách quan hơn hiệu quả của các cầu vượt để tránh lãng phí trong đầu tư. “Mấy ngày đầu thông thoáng nhưng gần đây ách tắc hết. Thanh tra Sở GTVT vừa đình chỉ nhà thầu thi công cầu vượt Nguyễn Thái Sơn 2 tháng làm tôi rất hoang mang”, ông Tường nói.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng đồng tình khi cho rằng, phải nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp chống ùn tắc hiệu quả. “Như các công trình cầu vượt, cần đánh giá lại. Xe vào sân bay không ảnh hưởng gì. Chỉ ở dưới cầu kẹt. Cao điểm đầu giờ sáng kẹt hướng lưu thông từ ngoại ô vào trung tâm, đến cuối giờ chiều kẹt chiều ngược lại.
Đường Nguyễn Kiệm, đầu giờ kẹt hướng này, cuối giờ kẹt hướng kia. Chiều ngược lại trống trơn, xe các loại lấn sang gây tắc cả hai hướng. Nên chăng, thay vì cho lưu thông một chiều, hai chiều hay làm cầu vượt thì nên tổ chức lưu thông một chiều, hai chiều theo giờ”, ông Tuyến gợi ý.
Theo báo Tiền Phong